Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

KHI ĐẢNG CHỊU SỰ GIÁM SÁT CỦA NHÂN DÂN, CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC NHÂN DÂN...


 Theo VietNamNet, sáng nay 29-10-2012 ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã trình bày tờ trình Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Có 9 nội dung sửa đổi Hiến pháp, mà một trong những nội dung đó là sửa đổi Điều 4.
Điều 4 Hiến pháp năm 1992 được ghi như sau:
“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động  và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Trong khi đó, Điều 4 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do ông Phan Trung Lý trình bày như sau:
“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Theo Điều 4 trong dự thảo này thì có một số nét mới so với Điều 4 trước đây:
1) Trước đây, Đảng chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà thôi. Còn nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam chưa có đội tiên phong, thì bây giờ hãy yên tâm đi nhé, đã có rồi, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.
2) Trước đây, Đảng là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, thì bây giờ, Đảng là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Việc thay thuật ngữ quyền lợi bằng lợi ích là rất ý nghĩa. Khi nói về quyền lợi, ai ai cũng hiểu rằng nó bao gồm quyền lợi vật chất, quyền lợi tinh thần. Trong quyền lợi tinh thần lại có rất nhiều quyền của công dân mà Hiến pháp nước nào cũng ghi rõ. Còn nói “lợi ích” là nói về lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế, lợi ích tài chính (cũng chính là những quyền lợi về những mặt này)… chứ chẳng ai nói “lợi ích tinh thần” bao giờ. Như vậy, “quyền lợi tinh thần” của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc coi như bị … bỏ qua, không còn có lực lượng nào làm "đại biểu trung thành" nữa!
3) Trong Điều 4 dự thảo, vai trò và vị thế của nhân dân được nâng rõ rệt lên một tầm cao mới.
Trước đây đã có những câu quen thuộc như “Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân”, “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”, “Đất đai thuộc sở hữu Toàn Dân”…, mà thực chất Dân hay Toàn Dân thì cũng là Nhân Dân mà thôi (Điều này TSYG đã chứng minh trong một công trình nghiên cứu có sử dụng Đại số Tập hợp của Toán học, xin trình bày sau). Những câu trên đã khẳng định vai trò, vị thế của Nhân Dân trong mối quan hệ khăng khít chặt chẽ với Nhà nước, với đời sống chính trị xã hội, với đất đai,…, thì bây giờ vai trò và vị thế ấy được thể hiện ở một mức độ cao hơn rất nhiều trong mối quan hệ với Đội tiên phong của mình: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
Nhiệm vụ  mới của Nhân Dân vô cùng vinh quang nhưng cũng hết sức nặng nề. Chỉ e là sức của Nhân Dân còn yếu, không kham nổi những nhiệm vụ chính trị cực kỳ to lớn này thì Nhân Dân sẽ bị xiêu vẹo rồi ngã chổng kềnh trên con đường tiến lên. Và như thế Nhân Dân không hoàn thành trọng trách cao cả của mình. 

Khi ấy, chắc là phải thay Nhân Dân đi thôi. 
Vài lời “ếch ngồi đáy giếng” về Điều 4 trong dự thảo, xin chia sẻ với bà con.

2 nhận xét:

Thợ cạo nói...

Đảng giám sát, giáo dục nhân dân thì có, ai muốn làm ngược lại là nhăn răng.

Lê Cảnh nói...

Chẳng qua là dạo này các "nhóm lợi ích" đã "di căn" lên não, nên cứ theo quán tính mà viết ra đấy thôi !

Mấy cái trò mèo này làm tốn khối thì giờ ... Chứ trước khi "sửa đổi", đảng đã "chỉ đạo" không có "đa nguyên đa đảng", không có "tam quyền phân lập" rồi ..., làm cho có việc, đỡ phải ngáp ruồi thôi ... ! ...