Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

TÁC PHẨM LỚN NHẤT CỦA MẠC NGÔN CHÍNH LÀ … NOBEL PRIZE !

Đã 10 ngày trôi qua từ khi Mạc Ngôn được Hàn lâm Viện Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương. Hiếm khi nào giải Nobel Văn chương lại gây ra một làn sóng dư luận sôi động ở Trung Quốc và cả trên thế giới như lần này. Được nhận giải thưởng cao quí nhất hành tinh, hẳn nhiên Mạc Ngôn hết sức vui mừng.Vùng quê Cao Mật của ông, nơi mà ông lấy làm bối cảnh cho tác phẩm ‘Cao lương đỏ’, chắc hẳn cũng rất tự hào vể người con Mạc Ngôn của quê hương. Nhưng có lẽ vui mừng và tự hào hơn nhiều lần như thế, lại là … Đảng và Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Nhà văn Mạc Ngôn. Theo quan sát nhân tướng học của TSYG, thì gương mặt của ông này ... có vấn đề!
Người con của Đảng
Mạc Ngôn đích thực là một người con yêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông yêu Mao, yêu Đảng và yêu chế độ. Vì tình yêu đó, ông đã được chế độ yêu lại, chăm bẵm nâng niu chờ đến ngày đơm bông kết trái.
Không ai có thể phủ định tài năng của Mạc Ngôn. Tên tuổi và tác phẩm của ông đã nổi như cồn bên trong đất nước Trung Hoa, và giờ đây bắt đầu nổi tiếng trên thế giới. Nếu ông bị số phận vùi dập, bị Đảng và Nhà nước Trung Quốc căm ghét thì chắc chắn Mạc Ngôn sẽ không có được thành công như hôm nay. Ông được Đảng cho ăn học để theo nghiệp văn chương, là Đảng viên Đảng CS Trung Quốc, hiện đang là Sáng tác viên bậc 1 (tương đương Đại tá) của Cục Chính trị - Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng, là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Đã nhiều lần, bằng cả lời nói và hành động, ông đã thể hiện cái tình yêu lớn lao đối với chế độ, lòng trung thành tận tụy với Mao, với Đảng của ông. Vinh quang của ông cũng là vinh quang của chế độ. Và cũng cần thẳng thắn nói rằng trong thành công của Mạc Ngôn, có công lao rất lớn … của Đảng CSTQ!
Những người “đồng giải”
Trước Mạc Ngôn 12 năm có Cao Hành Kiện (năm 2000) được giải Nobel Văn Chương khi đã trở thành công dân Pháp, và trước đó 2 năm, Giáo sư văn học Lưu Hiểu Ba (năm 2010) được tặng giải thưởng Nobel Hòa bình khi đang ở trong nhà tù của chế độ Bắc Kinh. Trái ngược hẳn với sự nâng niu ấm áp dành cho Mạc Ngôn, nhà nước Trung Quốc đã tỏ ra ghẻ lạnh với Cao Hành Kiện và thâm thù với Lưu Hiểu Ba.
Trong một cuốn sách nói về Lịch sử 100 năm Giải Nobel xuất bản tại Bắc Kinh năm 2001, có tên tất cả những người đoạt giải Nobel trên thế giới cho đến thời điểm đó, chỉ trừ mỗi tên … Cao Hành Kiện, mặc dủ Cao Hành Kiện đã từng là công dân nước CHND Trung Hoa cho đến năm 1998 (một kiểu hành xử trọc phú bần tiện của Bắc Kinh!). Tất cả tác phẩm của Cao Hành Kiện đều bị cấm tại Đại lục, tên của Cao Hành Kiện là “nhạy cảm”, không được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Tuy vậy, Cao Hành Kiện rất “vô vi”, ông nói: “Những điều nhà nước Trung Quốc làm đối với tôi đều không quan trọng”. Sau giải Nobel năm 2000, ông vẫn tiếp tục gặt hái nhiều thành công lớn tại Pháp trong các lĩnh vực sáng tác văn chương, đạo diễn và thiết kế sân khấu kịch, vẽ tranh thủy mặc …

Nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn và họa sĩ tài hoa Cao Hành Kiện
Đối với Lưu Hiểu Ba, ông bị coi là kẻ thù của chế độ Bắc Kinh vì tội vận động nhân quyền, đòi dân chủ tự do, tham gia viết Hiến chương 08. Giải Nobel được trao cho ông vì “Cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người ở Trung Quốc”. Ông đã từng bị bắt 4 lần, lần gần đây nhất ông bị bắt và bị kết án 11 năm tù (2009-2020). Vợ của ông là Lưu Hà cũng bị quản thúc suốt hai năm qua trong căn hộ của mình tại Bắc Kinh.

Giáo sư văn học Lưu Hiểu Ba và chiếc ghế trống tại buổi trao giải Nobel Hòa bình 2010 ở Oslo - Na uy.
Ngay sau khi được tin nhận Giải Nobel, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên về trường hợp của Lưu Hiểu Ba, Mạc Ngôn nói: “Tôi hy vọng ông Lưu sẽ được tự do trong thời gian sớm nhất có thể”. Ngẫm cho kỹ câu nói này của Mạc Ngôn, tưởng rằng có một ý nghĩa sâu sắc nào đó, thì hóa ra là “không nói gì”, giống hệt như bút hiệu của ông là Mạc Ngôn (nghĩa là không nói). “Tự do trong thời gian sớm nhất có thể” có nghĩa là Lưu Hiểu Ba ở tù bao lâu cũng được, tùy thuộc vào chính quyền, nghĩa là có thể ra tù sớm, có thể là đúng hạn 11 năm, và nếu chẳng may chính quyền gán thêm tội danh rồi kéo dài thêm một số năm nữa thì … cũng được! Rõ là một câu nói nước đôi rất khôn khéo của một người yêu Mao, yêu Đảng, không muốn làm chế độ phiền lòng.
Và thành công của chế độ
Chế độ ở Trung Quốc hiện nay đã có nhiều biểu tượng của sự thành công: vũ khí hạt nhân, tàu vũ trụ, tàu sân bay, nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới…, có lẽ chỉ còn thiếu các giải thưởng lớn nói lên sự công nhận của thế giới như Giải Nobel, Giải thưởng Toán học Fields… Phải nói rằng nhà nước Trung Quốc đang vô cùng khao khát những giải thưởng lớn, nhẳm hoàn thiện cho cái tham vọng thể hiện “quyền lực mềm” của mình.
Qua 111 năm trong lịch sử của Giải Nobel, thì Giải Nobel văn chương 2012 được trao cho Mạc Ngôn là Giải Nobel “đầu tiên” được trao cho một công dân Trung Quốc, theo cách nói của chính quyền Trung Quốc, và đã làm cho chính quyền TQ cực kỳ hài lòng. Cho dù Giải Nobel Văn chương không liên quan gì đến các thành tựu khoa học kỹ thuật, biểu hiện cho sự văn minh của một quốc gia, thì nó vẫn là một giải Nobel. Dẫu cho “tụi đế quốc Mỹ” đã đạt tới 308 Giải Nobel, mà Trung Quốc bọn tao mới có nhõn một chiếc, thì giờ đây Trung Quốc vẫn hết sức tự hào đã đứng vào hàng ngũ những quốc gia đoạt giải Nobel. Oai hùng lắm chứ, vinh quang lắm chứ! Chẳng vậy mà Trung Quốc đã mở một chiến dịch  tuyên truyền vô cùng rầm rộ nhằm vinh danh Mạc Ngôn, tôn Mạc Ngôn lên vị thế người anh hùng dân tộc!
Ông Lý Trường Xuân, Ủy viên BCT Đảng CSTQ, phụ trách lý luận và tư tưởng, thay mặt cho lãnh đạo và nhân dân TQ, đã phải sung sướng mà kêu lên rằng: “Giải Nobel được trao tặng cho nhà văn Mạc Ngôn chứng tỏ sự phong phú và tiến bộ của văn học Trung Quốc và không ngừng củng cố sức mạnh và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc”.
Được sự gợi ý của chính quyền, một đại gia bất động sản đang hứa tặng cho Mạc Ngôn một biệt thự trị giá 1 triệu bảng ở ngoại ô Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc đang lập một dự án 73 triệu bảng để tôn tạo vùng quê Cao Mật, thành địa điểm gọi là “Khu trải nghiệm Văn hóa Mạc Ngôn”.
Chính vì mục tiêu như lời của ông Lý Trường Xuân: “Không ngừng củng cố sức mạnh và củng cố ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc” cho nên nếu có tốn kém bao nhiêu đi chăng nữa để tạo ra Mạc Ngôn thứ hai thì có lẽ chính quyền Trung Quốc vẫn “vui lòng chấp nhận”.
Giải Nobel Văn chương của Mạc Ngôn quả là vô giá.
Và không ngoa một chút nào khi nói rằng: Tác phẩm lớn nhất của Mạc Ngôn chính là … Nobel Prize!
Nhưng cũng không chừng, biết đâu một ngày kia, Mạc Ngôn sẽ tuyên bố Giải Nobel lả chiếc đinh cuối cùng đóng lên quan tài sự nghiệp văn chương, kiểu như "Đi tìm cái tôi đã mất" của Nguyễn Khải?

8 nhận xét:

Hoa Cải nói...

Chờ ông Giáo phân tích tướng mạo Mạc Ngôn.
Nói vui nhìn mặt ông ta "hơi giông giống" Trần Đăng Khoa.

Tâm Sự Y Giáo nói...

Bác Hai Quả có vẻ thích nhân tướng học rồi hén? Gương mặt này là điển hình cho gương mặt của một nịnh thần trong tuồng Bình định. Còn phân tích sâu hơn thì phải có ... thời gian bác à.

Hoa Cải nói...

Tôi học theo ông bà thui:
"Trông mặt mà bắt hình dong..."
Cũng có một thời gian làm "công tác tuyển dụng nhân sự" nên cũng hay để ý đến tướng mạo. Nhìn bộ mặt tay TĐK tôi nghĩ tính cách ông ta cũng như ông Giáo nhận xét về họ Mạc.

Lê Cảnh nói...

Khuất Đẩu có luận về CHỖ ĐỨNG CỦA MẠC NGÔN, và tôi đã bình luận :

Ông đứng ở đâu ư !? Ông đứng ở vị trí của một người viết văn, một người làm nghệ thuật ... ! ...

NGHỆ THUẬT

"Một họa sĩ thật sự là người có thể vẽ những cảnh khác thường ở giữa một sa mạc hoang vắng. Một họa sĩ thật sự là người có thể kiên nhẫn vẽ một quả lê giữa bối cảnh hỗn loạn của lịch sử".
SALVADOR DALI

Có một lời bình luận như thế này :

"Xin lỗi Dali, có lẽ mình thích người nghệ sĩ ghi lại cuộc sống quanh mình hơn. Tất nhiên "cuộc sống quanh mình" ở đây phải lớn hơn quả lê một chút."

Và một lời bình luận khác :

"Một Hoa hướng dương, một đôi giày rách của Vincent van Gogh cũng đã làm xao xuyến tâm hồn nhân loại, gợi mở bao nhiêu suy tưởng về cuộc sống con người gần 100 năm nay... Trong nghệ thuật, một quả lê, một quả táo cũng có thể nói được bao điều..."

Lời bình luận trên có thể là của một người "ngoài nghề", lời bình luận dưới có thể là của một người "trong nghề" ... "Nghề" ở đây xin được hiểu là "nghề mần nghệ thuật" ...

Còn sau đây là lời bình luận của tui, một người có "dính dáng với nghề" ... :

- Trên tay người nghệ sĩ chân chính không phải là một "cán cuốc cong" của quan điểm Dân Túy, cũng không phải là một "thanh gươm cùn" của quan điểm Nghệ Sĩ - Chiến Sĩ, mà là một "Ngọn Đuốc Trí Tuệ", không phải để chỉ đường, mà để soi sáng sự vô minh ... Nhân loại thoát ra khỏi sự vô minh sẽ tự tìm thấy đường và tự đi ... "Ngọn Đuốc" ấy giống như Trái Tim Danko, Ngón Tay Phật Thích Ca, Thánh Tâm Chúa Jesus, ...

- Người họa sĩ thật sự luôn luôn, luôn luôn, và luôn luôn vẽ, "ghi lại cuộc sống quanh mình"... Nhưng cái "cuộc sống quanh mình" ấy luôn luôn, luôn luôn, và luôn luôn được nhìn qua Lăng-Kính-Tư-Duy-Triết-Học, khái quát và trừu tượng ... Khả năng Tư Duy Khái Quát và Trừu Tượng đã khiến loài người khác với các loài vật khác ... Đó là lý do tại sao Mỹ Thuật đã ra đời và phát triển từ thuở hồng hoang của lịch sử đến tận thời đại ngày nay, văn minh Kỹ Thuật Số, mà vẫn giữ nguyên giá trị ... ! ...

- Vẽ một bức tranh trong thời gian bao lâu, không phải chỉ được đo đếm bằng thời gian người họa sĩ ngồi trước giá vẽ ... mà còn ở thời gian người họa sĩ nung nấu đề tài, nung nấu tất cả nhân sinh quan và thế giới quan của mình ...

+ Leonardo da Vinci vẽ La Joconde trong 4 năm ... !?

+ Michelangelo vẽ vòm nhà nguyện Sistine trong 4 năm ... !?

+ Willem de Kooning vẽ Woman II trong 4 năm ... !?

+ Henri Matisse vẽ The Dance trong 20 phút ... !?

Không phải vậy ... ! Nó là kết tinh của tất cả các quảng đời mà Họa Sĩ đã, đang, và sẽ ... trải qua ...

Ta có thể "thấy" hành trình tư tưởng của loài người lắng đọng trong những mệnh đề triết học ...

Ta có thể "thấy" hành trình tri thức của loài người lắng đọng trong những câu chuyện ngụ ngôn ...

Ta có thể "thấy" nỗi đau khổ tột cùng hay niềm hạnh phúc vô biên của loài người lắng đọng trong những bài thơ, mà trong đó không có một từ "đau khổ" hay "hạnh phúc" nào cả ... ; trong những bản nhạc, có lời hay không lời ... ; trong những bức tranh, hiện thực hay trừu tượng ...

Đó là nhờ Nghệ Thuật, với khả năng Khái Quát và Trừu Tượng ... ! ...

Lê Cảnh nói...

"Xin thưa, bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do" ( Ngô Bảo Châu )

Đôi khi, tôi đọc được những bình luận phê phán về thái độ "trí thức" của GS Ngô Bảo Châu, đòi hỏi GS phải đứng ở "lề" này, "lề" nọ ...

Quan điểm của tôi là : Đừng bắt một giáo sư đại học đi nuôi dạy trẻ ! Trái khuấy và phí phạm vô cùng !

Đối với Mạc Ngôn cũng vậy !

Khoa Học cao siêu lắm ! Văn Chương cũng cao siêu lắm !

Mà chuyện "chính trị", thường khi, chỉ thấp kém như là chuyện "mớm cơm, dọn cứt" mà thôi ... ! ...

Đành rằng, không thể phủ nhận sự cần thiết của "cô nuôi dạy trẻ" ...

Tâm Sự Y Giáo nói...

Thưa bác Lê Cảnh,

Mạc Ngôn thực sự là một nhà văn chính trị. Ông ta được nhà nước TQ nuôi dưỡng, ăn lương của nhà nước chỉ để viết văn, đem hào quang về cho chế độ TQ. Tài năng của Mạc Ngôn thì không ai phủ nhận, tuy nhiên ông ta không thể đứng ngoài chính trị trong một chế độ độc đoán.
Mạc Ngôn từng phát biểu ca tụng chế độ kiểm duyệt: “Tôi tin rằng sự hạn chế hay kiểm duyệt có ích cho sang tạo văn chương”. Ông ta từng tẩy chay một số nhà văn người Hoa ở Hải ngoại trong một hội sách ở Đức. Gần đây, Mạc Ngôn còn tham gia chép tay “Bài nói chuyện tại Diên An năm 1942” của Mao Trạch Đông để làm một “ấn phẩm đặc biệt” kỷ niệm sư kiện này, mà thực chất đây là một cương lĩnh văn học nghệ thuật giáo điều, bắt buộc văn học nghệ thuật phải phục vụ cho Đảng CSTQ. Ông ta từng sáng tác “Ma chiến hữu” nói về cuộc chiến Việt Trung 1979, là cho rất nhiều người Việt Nam bừng bừng phẫn nộ…
Chỗ đứng của Mạc Ngôn là như thế, và Mạc Ngôn đã tự xếp chỗ đứng của một “nhà văn chính trị” cho mình, tất nhiên phải theo ý định của nhà cầm quyền.
Khác với Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện mới là người nghệ sĩ đích thực theo nghĩa mà bác Lê Cảnh yêu cầu, bác ạ.
Kính.

Lê Cảnh nói...

trích Nobel văn chương 2012, một giải thưởng nhiều tranh cãi (Nguyễn Hưng Quốc)

"... trong bài phỏng vấn trên báo Times năm 2010, ông cho kiểm duyệt là chuyện chả có gì đáng làm ầm ĩ vì “ở nước nào cũng có một số sự kiềm chế đối với việc viết lách.” Lúc khác, ông lại phát biểu: “Tôi tin các hạn chế hay kiểm duyệt là điều tốt cho việc sáng tạo văn chương” vì “một trong những vấn đề lớn nhất của văn chương là thiếu sự tinh tế.” Kiểm duyệt sẽ khiến nhà văn tìm cách “chôn sâu tư tưởng của mình và chỉ gửi gắm chúng qua các nhân vật trong tiểu thuyết”.

Có lúc, trước sự phê phán của nhiều người, ông tìm cách biện minh:

“Một nhà văn nên bày tỏ sự phê phán hay bất bình của mình trước các góc tối trong xã hội cũng như những sự xấu xa trong bản tính của con người, tuy nhiên, chúng ta không nên dùng một kiểu diễn tả giống nhau. Vài người có thể sẽ xuống đường gào thét, nhưng chúng ta cũng nên bao dung đối với những người trốn trong phòng kín và dùng văn chương để bày tỏ ý kiến.”

Lê Cảnh nói...

( trích ghi chép LAN MAN )

Hiện thời, trên các trang mạng, nhiều người đả kích lại những người biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược, bất đồng chính kiến ôn hòa ... rằng chỉ giỏi biểu tình, không dám cầm súng bảo vệ đất nước ..., rằng chỉ giỏi "chém gió", làm "anh hùng bàn phím" ..., rằng thì là ... vv ... Thực ra, có thể nhìn sự việc theo một hướng khác : "Quốc Gia Hưng Vong, Thất Phu Hữu Trách", mỗi công dân, tùy theo vị thế và khả năng, có những phương cách khác nhau để biểu lộ trách nhiệm và thực hiện bổn phận ..., người lính thì chiến đấu bằng vũ khí, người dân thường thì chiến đấu bằng biểu tình, với các khẩu hiệu, biểu ngữ bày tỏ chính kiến, có khi chỉ biểu tình trong im lặng, bất động, tuyệt thực, ... ( chứ không phải bằng "chiến tranh nhân dân", một con dao hai lưỡi rất nguy hiểm, Thảm Sát Mỹ Lai là một ví dụ đau thương trong muôn vàn vụ thảm sát thường dân khác, trên khắp thế giới ... ), người trí thức thì chiến đấu bằng văn chương, phản tỉnh, phản biện ... Một cuộc biểu tình, một lời hịch, một câu văn ... nhiều khi có sức mạnh hơn một đạo quân, có thể "thắng nhi bất chiến", "bất chiến tự nhiên thành", giúp giảm thiểu máu xương, sức người sức của, ...

"Trên tay người nghệ sĩ chân chính không phải là một "cán cuốc cong" của quan điểm Dân Túy, cũng không phải là một "thanh gươm cùn" của quan điểm Nghệ Sĩ - Chiến Sĩ, mà là một "Ngọn Đuốc Trí Tuệ", không phải để chỉ đường, mà để soi sáng sự vô minh ... Nhân loại thoát ra khỏi sự vô minh sẽ tự tìm thấy đường và tự đi ... "Ngọn Đuốc" ấy giống như Trái Tim Danko, Ngón Tay Phật Thích Ca, Thánh Tâm Chúa Jesus, ..." ( trích ghi chép Nghệ Thuật ).

Võ có "Cương" có "Nhu", Văn có "Hùng" có "Diễm" ...

Võ có những "Võ Tướng" "ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương", lúc dùng trường trận, khi dụng đoản binh, xông pha chiến địa, chém tướng đoạt thành ... ; đồng thời cũng có những "Nho Tướng" "kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung", ngồi trong màn trướng thảo hịch, định kế, ... mà quyết được sự thắng thua, thành bại ngoài trăm dặm ...

Văn có những "Văn Thần" "trong lang miếu ra tài Lương Đống", xông xáo trên "trường văn trận bút", "bút chiến" lẫy lừng "cầm chính đạo để tịch tà cự bí, hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên" ... ; đồng thời cũng có những "Tao Nhân Mặc Khách" "tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn", "mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới" mà "ngâm hoa vịnh nguyệt", "gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh", "phù thế giáo một vài câu thanh nghị" ...

Không thể nhận định phiến diện, chủ quan là "Võ cường Văn nhược", mà "nhất trọng nhất khinh" ... Xưa nay "nhược thắng cường" không hiếm ... ! ...

Tất cả, Văn và Võ, Cương - Nhu - Hùng - Diễm, đều cần thiết và có giá trị hỗ tương, hình thành nên tính cách của một con người, hình thành nên tính cách của một dân tộc, "dân tộc tính", ...

Mà, "TÍNH CÁCH LÀM NÊN SỐ PHẬN" !!!

Đến bao giờ thì dân Việt mới có thể nhận chân được tính cách "HIẾU CHIẾN", "TRỌNG VÕ KHINH VĂN" tiềm ẩn trong "dân tộc tính" của mình ... !? ... !? ... !? ...

... Để có thể cải đổi số phận "NHƯỢC TIỂU" của Dân Tộc Việt Nam, Đất Nước Việt Nam ... !? ... !? ... !? ...

ĐẾN BAO GIỜ ... !? ... !? ... !? ...