Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Hy vọng gì vào "sáu bài toán cho tư lệnh ngành giáo dục" ?

TSYG: Bài gốc Sáu bài toán cho tư lệnh ngành của VietnamNet ( http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/114948/sau-bai-toan-cho--tu-lenh--nganh.html ) không hiểu vì lý do gì rất khó truy cập. TSYG tìm được bản 'copy' dưới đây đưa lên để bà con chú ý xem ông bộ trưởng giáo dục sẽ làm được những gì so với những lời hứa 'vĩ đại' của ông ta.

Bà con nhớ lại cách đây không lâu, ông bộ trường GD đã từng được báo chí ca tụng và âu yếm gọi là bộ trưởng 'chân đất', và đang làm 'cuộc cách mạng giáo dục' . Ông này từng trả lời rất ấm ớ hội tề và vô trách nhiệm về việc hàng ngàn em bị điểm 0 môn Lịch sử là bình thường, cũng như vụ vi phạm nghiêm trọng qui chế thi cử ở Đồi Ngô. Rồi chỉ một việc có cho đưa các thiết bị ghi hình ghi âm vào phòng thi hay không mà ông cứ loay hoay loay hoay, khi thì cho, sau thì không cho, rồi lại cho nhưng cấm phát tán..., hệt như chuyện đùa, chuyện tào lao. Mới đây lại thêm việc các cháu mầm non vùng cao không được hỗ trợ tiền ăn trưa theo qui định của Thủ tướng suốt 14 tháng trời...

Bây giờ lại là chuyện '6 bài toán', mà toàn là những 'bài toán thế kỷ'. Có nên hy vọng vào lời hứa của cái ông 'chân đất' này không? Nếu lần này ông thất hứa thì chúng tôi sẽ gọi ông là ... 'gì đất' đấy, ông ạ.



Cập nhật: 03:00 | 31/03/201
 - Văn phòng Quốc hội vừa có thông báo số 597 truyền đạt kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 16. Trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thời gian tới gấp rút giải 6 "bài toán" đã hứa giải.
Các tin liên quan
giáo dục, bài toán, đổi mới, đề án, sư phạm
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
6 "bài toán" được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúc kết đặt lên bàn "tư lệnh" ngành như sau:
Một là, Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sớm áp dụng vào thực tiễn, tạo chuyển biến tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở nước ta.
Hai là, tập trung quản lý chất lượng sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ học sinh các cấp học phổ thông, bảo đảm chất lượng, sự chuẩn mực về ngôn ngữ và lịch sử.
Ba là, tổng kết công tác đào tạo sư phạm và mạng lưới đào tạo ngành sư phạm trong cả nước, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, kịp thời chấn chỉnh, hạn chế tình trạng thừa giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay.
Bốn là, tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích bằng các giải pháp đổi mới công tác đề thi, công tác thi đua khen thưởng, việc đánh giá kết quả học tập. Xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc Sở GD-ĐT và lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vấn đề này.
Năm là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy và học theo hướng tinh giảm; thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm các môn học chính; gắn giáo dục, đào tạo với dạy nghề và nhu cầu sử dụng nhân lực của các ngành, các địa phương; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của ngành giáo dục.
Cuối cùng cần phối hợp với các cơ quan liên quan, cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc mở rộng tổ chức việc giảng dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam định cư ở nước ngoài, để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng góp tích cực hơn nữa cho phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ trưởng có chương trình, kế hoạch, biện pháp thiết thực để thực hiện những vấn đề đã hứa trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước.

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

TIN VUI: PUTIN SẮP CHO KHÔI PHỤC DANH HIỆU “ANH HÙNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”


Báo QĐND ngày 29-3-2013 cho biết: trong buổi gặp mặt các thành viên thuộc Mặt trận dân tộc toàn Nga sáng 29-3, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã cam kết sẽ khôi phục lại danh hiệu có từ thời Liên bang Xô-viết, “Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa”.
Được biết, danh hiệu này có từ năm 1938. Những người được nhận danh hiệu này được nhận thêm một tấm Huân chương Sao đỏ búa liềm, một Huân chương Lênin và một tấm bằng danh dự của Đoàn chủ tịch xô-viết tối cao Liên Xô.
Danh hiệu này lần đầu tiên được trao tặng cho Josef Stalin năm 1939.
Phần thưởng kèm theo danh hiệu là những đặc ân, chẳng hạn người thân được nhận tiền trợ cấp, tiền tuất nều người được trao tặng đã chết, được ưu tiên hàng đầu về nhà cửa, được giảm 50% sồ tiền thanh toán, giảm các loại thuế, được phân chia thêm 15 mét vuông cho mỗi người, hàng năm được miễn phí vé khứ hồi hạng nhất cho chuyến đi xa, được miễn phí vé xe bus, miễn phí hàng năm cho những kỳ đi viện điều dưỡng, điều trị ở bệnh viện và đến các khu giải trí… (theo vi.wikipedia)
Yêu biết mấy, danh hiệu “Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa” !
Tới đây, sẽ có lớp lớp anh hùng được nhận danh hiệu cao quí này trên các công trường: nạo vét sông Vôn-ga, quét lá rừng Tai-ga, vệ sinh nhà máy điện Tréc-nô-bưn, thu dọn hiện trường vụ thảm sát Ka-tyn...
Và để danh hiệu này “trường thọ”, thiết nghĩ ông Putin nên tiến hành mấy việc sau:
- Chọn ông Gennady Zyuganov làm người kế nhiệm.
- Khôi phục các tổ chức Đoàn thanh niêm Kôm-xô-môn, Đội thiếu niên tiền phong Lê-nin .
- Trên toàn nước Nga, cần nhân rộng và phát triển các trang trại theo mô hình “Animal Farm” của George Orwell.
- Danh hiệu này, lần đầu tiên sau khi được khôi phục, dĩ nhiên là phải được trao cho Vladimir Putin, kèm theo đặc ân: thêm 15 mét vuông đất. Cho nó thoải mái !


CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG "TỰ DIỄN BIẾN", "TỰ CHUYỂN HÓA"

Theo Tạp chí Cộng sản

Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Trung ương, trực tiếp là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngày 27-12-2012, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Hơn 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan đảng, các bộ, ngành ở Trung ương, các nhà khoa học tới dự Hội thảo.

TSYG: Minh chỉ đăng lại một phần bài viết nói về Giải pháp. Bà con nếu có nhu cầu thì vào đường link nói trên của TCCS để hiểu rõ thêm nhiều vấn đề, chứ còn mình đọc mà nỏ hiểu cái chi chi. Tự chán mình ghê gớm !

...
Một số giải pháp chủ yếu phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

PGS, TS. Vũ Văn Phúc (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) nhấn mạnh: Việc phòng, chống TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên hiện nay là một trong những vấn đề cấp bách, nhưng cũng là rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi giải quyết phải rất khoa học, rất công phu và phải rất tinh tế và hiệu quả, để tránh những hậu quả không đáng có trong tình hình hiện nay.

Đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phòng, chống TDB, TCH có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó, phòng, chống TDB, TCH trong nội bộ giữ vai trò quyết định; cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại.

Trước hết, trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, Thượng tướng, Viện sĩ, TS. Nguyễn Huy Hiệu (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Thiếu tướng Bùi Văn Tâm (Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng), Thiếu tướng Phan Tiến Hạc (Phó Cục trưởng Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị) cho rằng, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết. Toàn Đảng cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng; kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.

GS, TS. Trần Đại Quang khẳng định, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, TDB, TCH là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; của các ngành, các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không phải là mặt trận có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà phải sử dụng tư tưởng, lý luận cách mạng đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; sử dụng chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... PGS, TS. Bùi Trung Thành, TS. Cao Đức Thái, TS. Nguyễn Đức Độ, PGS, TS. Nguyễn Bá Dương, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, TS. Trần Hồng Hà (Phó Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương) đều cho rằng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận, bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khắc phục những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội; tích cực tạo bước chuyển biến mới trong phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực, chủ động giữ vững ổn định bên trong với phòng ngừa, ngăn chặn các tác động tiêu cực từ phía chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ở bên ngoài bằng nhiều hình thức, quy mô, lực lượng trên tất cả các lĩnh vực...; tăng cường các biện pháp nắm bắt tình hình địch, tình hình ta ở cơ sở, nhất là những địa phương có “điểm nóng”; kịp thời phát hiện các hoạt động chống phá và xâm nhập trái phép của bọn phản động, sự móc nối của chúng với các phần tử bất mãn với chế độ ta ở trong và ngoài nước... Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đổi mới và tăng cường công tác cán bộ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

Để phòng, chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, PGS, TS. Vũ Văn Phúc; TS. Phạm Đình Đảng (Tạp chí Cộng sản); ThS. Lại Xuân Lâm (Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương); Đại tá, TS. Nguyễn Văn Hữu (Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng) đưa ra các nhóm giải pháp trong công tác xây dựng Đảng; quản lý nhà nước; hạn chế tiêu cực từ bên ngoài và phát huy vai trò của tổ chức đảng các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phòng, chống TDB, TCH. GS, TS. Lê Hữu Nghĩa, PGS, NCVCC Trần Đình Huỳnh, PGS, TS. Nguyễn Văn Thắng, Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Vĩnh Thắng (Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng), TS. Phạm Văn Khánh (Báo Nhân Dân), Nguyễn Phi Long (Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong các giải pháp đấu tranh, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, tạo ra sức tự đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các binh chủng trên mặt trận tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống hoạt động “diễn biến hòa bình”.

PGS, TS. Nguyễn Thế Thắng, đồng chí Nguyễn Đức Hà đề cao giải pháp đổi mới công tác cán bộ, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI; đấu tranh chống tham nhũng; bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. ThS. Lê Hải (Tạp chí Cộng sản) khẳng định, để có thể chiến thắng được chính mình trong cuộc đấu tranh tư duy giữa “trắng” và “đen”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải được chuẩn bị hành trang về nhận thức chính trị, bản lĩnh chính trị và phương pháp luận khoa học, từ đó nâng cao khả năng “tự miễn dịch” từ bên trong. GS, TS. Phạm Ngọc Hiền cho rằng, việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có ý nghĩa hết sức quan trọng và có thể xem là một trong những giải pháp cơ bản phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, TDB, TCH.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Thiếu tướng Lê Đình Luyện (Cục trưởng A88, Bộ Công an), TS. Lê Minh Phụng (Tạp chí Cộng sản) cho rằng, công tác đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tác động chuyển hóa chính trị ở Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thống nhất của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp.

Trong lĩnh vực kinh tế, đồng chí Nguyễn Đình Phách (Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) nhấn mạnh, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có cơ cấu hợp lý, có sức mạnh nội sinh, bền vững; có khả năng cạnh tranh cao để chủ động hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Cần tiếp tục đấu tranh bảo vệ những quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới kinh tế của Đảng. Phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với thủ đoạn lợi dụng các quan hệ kinh tế, các công cụ và thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế... để chi phối, kiểm soát, khống chế, chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Đặc biệt là, cán bộ chủ trì lãnh đạo, quản lý kinh tế không để chủ nghĩa thực dụng, “chủ nghĩa cá nhân” chi phối.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, cần quyết tâm bảo vệ đường lối xây dựng và phát triển văn hóa - xã hội của Đảng, chủ trương và chính sách văn hóa - xã hội của Nhà nước; bảo vệ, xây dựng và phát triển hệ thống giá trị, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới trên nền tinh hoa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Chống lợi dụng mở cửa, giao lưu văn hóa để quảng bá, tuyên truyền, phổ biến hệ thống giá trị, những chuẩn mực đạo đức, lối sống của phương Tây. Nhà báo Trần Quang Hà cho rằng, phòng và chống TDB, TCH trong văn học - nghệ thuật trước hết là cần tạo dựng niềm tin, ý chí, sự kiên định với con đường đã lựa chọn,... trong mỗi chủ thể sáng tạo.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Trung tướng, TS. Võ Tiến Trung (Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng) nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả phòng, chống khuynh hướng “phi chính trị hóa” trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong quân đội; vạch trần và chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng làm quân đội ta “tự diễn biến” theo khuynh hướng “phi chính trị hóa”. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Nghi (Chánh Văn phòng Tổng cục Chính trị); Đại tá, PGS, TS. Nguyễn Xuân Thành (Học viện Quốc phòng) cho rằng, phòng chống TDB, TCH trong cán bộ, đảng viên quân đội là vấn đề vừa cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài cần phải được coi trọng và tổ chức thực hiện bằng hệ thống giải pháp đồng bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức...

Các tham luận đều khẳng định, cần giữ vững và tăng cường khả năng đề kháng trong nội bộ. Xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc là cơ sở để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ tác động từ bên ngoài. Theo đồng chí Nguyễn Đình Phách; ThS. Đỗ Minh Hạnh (Tạp chí Cộng sản); ThS. Nguyễn Tùng Lâm (Bộ Quốc phòng), cuộc đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí phải được tăng cường, kiên quyết loại bỏ những con “sâu mọt” ra khỏi bộ máy cơ quan của Đảng, Nhà nước, làm trong sạch các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền; đẩy mạnh đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đồng chí Mai Thế Dương (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Trung tướng Vũ Hải Triều (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II), Trung tướng Võ Trọng Việt (Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Đại tá, TS. Vũ Minh Thực (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) khẳng định, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát là một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và cán bộ, đảng viên; góp phần kịp thời phát hiện và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót khi mới nhen nhóm, phát sinh với phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, tự bảo vệ mình là chính”; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống TDB, TCH với tinh thần tích cực tấn công làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trước mắt, tập trung giải quyết tốt ba vấn đề mang tính cấp bách về công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI./.


Nguyễn Thị Vy

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LẠI CÓ THÊM NHỮNG LUẬN ĐIỆU MỚI


Thật là không thể nào chịu nổi những luận điệu vô cùng nham hiểm của các thế lực thù địch trong thời gian gần đây.

Trong khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang hăng hái, nô nức góp ý cho Bản Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi thì những tiếng nói của các thế lực thù địch lại cất lên, không đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ một tí nào.

Những quan điểm sai trái, những lập luận vô lý như đòi hủy bỏ Điều 4, đòi phi chính trị hóa quân đội đã được các cơ quan truyền thông cực kỳ uy tín như báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, VTV, VOV vạch rõ những mưu mô thủ đoạn vô cùng nguy hiểm ẩn đằng sau những kiến nghị ấy, thể hiện qua các bài viết của các cây viết chính luận xuất sắc như Nguyễn Viết Thông, Nguyễn Thanh Tú, Trung Thành (Mỹ), Tuyên Trần (Mỹ) ...

Trong bài viết này, với tư cách là một dư luận viên năng nổ nhiệt tình, tôi sẽ chỉ ra những luận điệu mới, thậm chí rất mới của các thế lực thù địch, lợi dụng việc góp ý Hiến pháp để đưa ra các ý kiến ý cò xằng bậy và vô nghĩa.

Trước hết, phải nói về hiện tượng một số vị bỗng dưng đòi hỏi Ủy ban soạn thảo Hiến pháp sửa đổi phải làm rõ khái niệm Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quả thật, mấy ông này dường như học nhiều quá, đọc nhiều quá nên mắc bệnh hoa mắt, đến nỗi một khái niệm rõ tựa ban ngày như trên mà cũng không hiểu, lại còn thắc với chả mắc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế tuân theo các qui luật của thị trường, nhưng được định hướng bởi các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội. Đây là một khái niệm hoàn toàn mới so với kho tàng lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin. Người sáng tạo ra nó hiện vẫn đang được giữ kín tên tuổi nhằm đảm bảo an toàn về uy tín và thể xác, để đồng chí ấy có thể tiếp tục sáng tạo thêm những khái niệm mới bổ sung cho suối nguồn lý luận dào dạt và sang trọng mà chúng ta đang có. Công lao trời biển của đồng chí ấy sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng trong giai đoạn này, giai đoạn đầu tiên của thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Cũng chưa biết đến bao giờ giai đoạn này mới kết thúc, nhưng chúng ta và các thế hệ con cháu, chắt chút chít... phải vững niềm tin, kiên định lập trường thì mới mong đến được đích.

Những người thắc mắc hết sức hàm hồ khi nói rằng kinh tế thị trường là kinh tế thị trường, xã hội chủ nghĩa là xã hội chủ nghĩa, hai phạm trù này không thể kết hợp với nhau được. Nói như thế là chỉ biết một chứ không biết mười. Trên thế gian bao la rộng lớn này, không có gì là không thể kết hợp với nhau được. Nếu nước và lửa không kết hợp với nhau thì làm sao chúng ta có cơm để ăn, có nước sôi để pha trà, pha cà phê? Ngay cả uống nước đun sôi để nguội thì cũng phải đun sôi đã chứ. Bởi thế nên mới có “sự thống nhất của các mặt đối lập”. Sự kết hợp nói trên hoàn toàn biện chứng, là một qui luật mang tính tất yếu khách quan. Các thế lực thù địch hãy trả lời câu hỏi: Ví thử không có sự kết hợp diệu kỳ đầy sáng tạo về lý luận như thế, thì đất nước ta có được phát triển như ngày hôm nay không?

Một số người khác lại yêu cầu làm rõ khái niệm “sở hữu toàn dân về đất đai”, thậm chi còn đòi hỏi phải đa sở hữu đất đai. Thật là quá quắt.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, có nghĩa là đất đai thuộc về toàn thể nhân dân. Nhân dân ta nắm quyền lực cao nhất, nên cũng chính là chủ nhân của tất cả đất đai trên mảnh đất hình chữ S này, chứ không phải là một kẻ ngoại bang nào khác. Tài sản nào mà chẳng có người quản lý. Và nhân dân do không có năng lực quản lý nên đã trao quyền thống nhất quản lý cho Nhà nước. Chuyện rành rành như thế mà cứ đòi hỏi làm rõ là thế nào? Còn có những người biểu tình khiếu kiện về đất đai chẳng qua là do họ vẫn nặng đầu óc tư hữu. Tư duy này hoàn toàn đi ngược lại tiến trình đi lên chủ nghĩa xã hội của cả dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Hơn nữa, nhiều người trong số họ không có kiến thức luật pháp, thiếu thông tin chính thống. Đã thế lại còn lười đọc báo Nhân Dân, báo Quân Đội, lười xem VTV, ít nghe đài VOV… Dốt lại còn tỏ ra nguy hiểm!

Một luận điệu nguy hiểm nữa mà tôi muốn đề cập, là đang có những ý kiến ý cò về cụm từ “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đòi bỏ cụm từ “xã hội chủ nghĩa” trong tổ hợp ngôn ngữ nói trên. Thật là không thể xằng bậy hơn được nũa. Bỏ là bỏ thế nào? Nếu vậy thì té ra là Tổ quốc Việt Nam không xã hội chủ nghĩa à?

Những kẻ đang thắc mắc đòi hỏi, lẽ nào không biết rằng thời đại này là thời đại của cách mạng xã hội chủ nghĩa và nhiều dòng thác cách mạng khác của các nước xã hội chủ nghĩa như Cuba, Triều tiên,Trung Quốc, của phong trào công nhân, phong trào không liên kết? Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu của lịch sử. Chủ nghĩa xã hội vừa là giấc mơ vừa là hiện thực. Chẳng thế mà bên Venezuela, ông Chavez ngay cả khi bị ung thư giai đoạn cuối, chết đến nơi  vẫn kêu gào, ấy quên, kêu gọi quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 đó sao? Ngày nay, yêu nước cũng chính là yêu chủ nghĩa xã hội, đồng nghĩa với việc đã yêu nước thì không được yêu bất cứ học thuyết nào khác.

Nói tóm lại, những đòi hỏi, yêu cầu, kiến nghị … nói trên có vẻ ngây ngô đơn giản, nhưng thực chất là những luận điệu mới và vô cùng nguy hiểm của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Mà cái bọn thù địch này dường như mỗi ngày một nhiều lên, ý kiến ý cò râm ran khắp nơi. Dứt khoát phải chặn đứng ngay lập tức những luận điệu này, không để chúng ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, ngay cả khi lòng tin ấy không còn.

Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng góp ý để chống phá. Cần phải quán triệt tinh thần cơ bản xuyên suốt, đó là: Góp ý nhưng phải đồng thuận với quan điểm của lãnh đạo, nghĩa là được góp ý thỏai mái, nhưng không được trái ý.

Dư luận viên VO VĂN VE

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

TRUNG TƯỚNG LƯU Á CHÂU (TQ) NÓI VỀ NƯỚC MỸ, NGƯỜI MỸ

Trong quá khứ, vì để giúp Trung Hoa thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật, họ có cống hiến lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Hoa.

                    Hai nước Trung Hoa - Mỹ không có xung đột vi` lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ rải khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tấm lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động.
                      Tôi từng nói rằng đối với Nhật, một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta, mà chúng ta thường xuyên nói 2 nước "phải đời đời kiếp kiếp hữu hảo với nhau". Thế thì chúng ta có lý do nào để căm ghét nhân dân Mỹ từng giúp ta đánh bại Nhật?

Đâu là chỗ thực sự đáng sợ của nước Mỹ?
                       Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng nhữngcái đó không đáng sợ.
                       Nghe nói máy bay tàng hình của Mỹ thường xuyên ra vào bầu trời Trung Quốc rất thoải mái, nhưng điều ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Cái đáng sợ của họ không phải là những thứ ấy.
                      Năm 1972, tôi học ở Đại học Vũ Hán, lên lớp giờ chính trị. Một thầy giáo khoa chính trị nói: "Nước Mỹ là đại diện của các nước tư bản mục nát, suy tàn,đã sắp xuống mồ, hết hơi rồi."
                       Tôi, một sinh viên công nông binh mặc bộ quân phục, đứng ngay lên phản bác:
-  "Thưa thầy, em cảm thấy thầy nói không đúng ạ. Tuy rằng nước Mỹ không giống Trung Quốc là mặt trời nhô lên lúc 8- 9 giờ sáng, nhưng Mỹ cũng chẳng phải là mặt trời đang lặn gì gì đó, mà là mặt trời lúc giữa trưa ạ."
Thầy giáo bực mình, tái mét mặt ấp úng nói: "Cái cậu học sinh này, sao dám nói thế hả!" Ông ấy không hỏi tôi tại sao lại nói thế, mà dùng một chữ "dám". Lúc đó tôi thấy hết tâm trạng của ông.
                    Chính là cái nước tư bản mục ruỗng suy tàn ấy vào thập niên 90 thế kỷ trước đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào lúc bắt đầu cải cách mở cửa.
                   Tôi lại có một quan điểm: Nước Mỹ là quốc gia do hàng chục triệu con người  đều rất yêu nước Mỹ. Hồi ấy rất nhiều người lãnh đạo TQ vừa chửi Mỹ vừa gửi con cái mình sang Mỹ. Một sự tương phản lớn!

Vậy thì cái đáng sợ của Mỹ là ở đâu?
Tôi cảm thấy có ba điểm.
          - Điểm thứ nhất, không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ.
                   Bi kịch của Trung Quốc chúng ta :phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có chức vụ, có chức vụ thì không có đầu óc (chính xác –BVB).
                    Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh anh lên. Nhờ thế,
1 - là họ không mắc sai lầm;
2 - là họ ít mắc sai lầm;
3 - là mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai.
                    Mỹ dùng một hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu để kiềm chế Trung Quốc chẵn nửa thế kỷ.
                   Nước cờ này họ đi thật linh hoạt, thật thần kỳ. Một Đài Loan làm thay đổi hẳn sinh thái chính trị quốc tế.
                  Điều tôi lo ngại nhất là bộ khung chiến lược phát triển Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ vì vấn đề Đài Loan mà biến dạng. Ngày nay, đối với các dân tộc có thế mạnh thì tính quan trọng của lãnh thổ đã giảm nhiều, đã chuyển từ tìm kiếm lãnh thổ sang tìm kiếm thế mạnh của quốc gia.
                    Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế. Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai sở hữu sẽ bị mất.
                    Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược.
                   Tôi nhiều lần nói là trung tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển sang châu Á đâu, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không bao vây Trung Quốc.
                  Rất nhiều bạn chỉ thấy Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh lệch về KHKT và trang bị vũ khí giữa 2 nước mà chưa nhìn thấy sự mất cân đối nghiêm trọng hơn sự lạc hậu về trang bị trên mặt chiến lược lớn,nhất là trên tầng nấc ngoại giao.
                  Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc.
                  Sức ép quân sự của Nhật, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng bớt đi. Xem ra chúng ta giành được từ vụ 11/9 một số lợi ích trước mắt, song các lợi ích đó không quá 1- 2 năm có thể biến mất. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu việt quân sự. 
                     Bạn xem đấy, mấy năm gần đây các nước xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi là quốc gia "dân chủ". Nga, Mông Cổ thay đổi rồi, Kazakhstan thay đổi rồi (Myanmar nữa…- BVB).
                  Cộng thêm các nước trước đây như Hàn Quốc, Phillippines,Indonesia, lại cộng thêm vùng Đài Loan.
                 Đối với Trung Quốc, sự đe doạ này còn ghê gớm hơn đe doạ quân sự. Đe doạ quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn việc bị cái gọi là các quốc gia “dân chủ” bao vây là hiệu ứng dài hạn.
               - Điểm thứ hai, sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ. Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn:Sáng sớm, các đường phố lớn ở châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các phố lớn ngõ nhỏ đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một câu nói: Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hoá khí thế hừng hực đi lên.
                 Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết.
                 Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót để mặc. Hồi ở Mỹ tôi có mua một chiếc quần cộc cờ sao vạch. Tôi thường xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt nó, là để trút giận, là một dạng trút sự bực bội và thoả mãn về tâm lý.
                Người Mỹ mặc nó là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ nước mình ngoài phố.
                 Nói như Đại tá Đới Húc: "Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?".

                 - Điểm thứ ba, sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức. Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai hoạ ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng.
               Trong vụ 11/9 có xảy ra 3 sự việc đều có thể để chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ.
                 Việc thứ nhất, sau khi phần trên toà nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm.
                Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước. Thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh. Một dân tộc tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy. Đứng trước cái chếtvẫn bình tĩnh như không, e rằng không phải là thánh nhân thì cũng gần với thánh nhân.
             Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người A Rập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số thương nhân người A Rập cũng bị tấn công. Vào lúc đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo.
              Đó là một tinh thần thế nào nhỉ. Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa Đặng Ngải [8] sau khi chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức [9]giết sạch giá trẻ gái trai gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lổ vết máu không bao giờ hết.
              Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Nhà Trắng. Sau đấy hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay rơi.
                 Vì lúc ấy họ đã biết tin toà nhà Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải đấu tranh sống chết với bọn khủng bố.Cho dù trong tình hình ấy họ còn làm một chuyện thế này:
             Quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với bọn khủng bố hay không. Trong giờ phút quan hệ tới sự sống chết ấy, họ cũng không cưỡng chế ý chí của mình lên người khác.
                Sau khi toàn thể mọi người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc.
             Dân chủ là gì? Đây tức là dân chủ. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.
L.A.C
(BVB nhận bài từ EMail của PGS.TS Vũ Trọng Khải)

------------
/*/ - Lưu Á Châu sinh ngày 19 tháng 10 năm 1952 tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây; quê quán ở Túc huyện, nay là quận Dũng Kiều, địa cấp thị Túc Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc; Trung tướng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nguyên Phó Chính ủy Không quân Trung Quốc; hiện nay là Chính ủy của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Stanford Mỹ. Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn học. Các bài viết của ông ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông được dư luận rất quan tâm. Ông là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm.
            Lưu Á Châu tham gia quân đội năm 16 tuổi, lần lượt giữ chức vụ phó tiểu đội trưởng, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Năm 44 tuổi được thăng chức thiếu tướng không quân, bước vào hàng ngũ tướng lĩnh cấp cao của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Năm 45 tuổi giữ chức Chủ nhiệm Cục chính trị không quân quân khu Bắc Kinh. Năm 50 tuổi là Chính ủy không quân, quân khu Thành Đô. Năm 51 tuổi là Phó Chính ủy không quân kiêm Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật quân ủy, và được thăng chức trung tướng không quân. Hiện nay, Trung tướng Lưu Á Châu, giữ chức Chính ủy của Đại học Quốc phòng Trung Quốc (Đại học Quốc phòng là trường quân sự cao nhất của Trung Quốc, trực thuộc sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, là cấp đại quân khu; hiệu trưởng, chính ủy của trường này đều thuộc những chức vụ chính của đại quân khu).

...  Trả hận cho người Mỹ 
và Mỹ đã ồ ạt viện trợ cho Trung Quốc
“Liên Xô cũng tan rã. 10 năm trước đó, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Đặng Tiểu Bình, thật là một kỳ tài! Vừa rồi, tôi nói gây ra cuộc chiến tranh biến giới với ViệtNam 17-2-1079 vì người Mỹ, chính là trả hận cho người Mỹ. Có bằng chứng không? Có đấy. Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc... Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này” _ Lưu Á Châu

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

TẬP CẬN BÌNH VÀ GIẤC MƠ TRUNG HOA

TSYG: Nhiều nhà phân tích cho rằng ẩn đằng sau nụ cưới mím chi thường trực và những cử chỉ khoan hòa của Tập Cận Bình là tham vọng bá chủ toàn cầu, tiếp nối lòng tham vô đáy của Mao TrạchĐông. Mới lên ngôi nhưng Tập đã nắm toàn bộ quân đội, chứ không phải chờ đến hai năm sau như Hồ Cẩm Đào, phát biểu nhiều câu hết sức cứng rắn. "Giấc mơ Trung Hoa" là mỹ từ, là tấm áo hoa che đậy tham vọng ngông cuồng bá chủ thế giới, trước mắt là làm chủ châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Thực sự Tập là diều hâu chứ không phải bồ câu. Đáng lo thay khi Việt Nam đang trong tầm ngắm để xơi tái của con diều hâu này.
Sáng 17/3/2013 kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12 đã họp phiên bế mạc. Ông Tập Cận Bình chính thức trở thành Chủ tịch nước. Là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 đồng thời nắm giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông trở thành nhân vật số một trong ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sinh năm 1953, người đàn ông sáu mươi tuổi này có một phong thái lịch lãm với nụ cười mỉm thường trực trên môi, trán vừa phải chứ không cao, lông mày tuy rậm nhưng màu nhạt, má hơi phính, cằm hơi ngắn, nếu nói là cằm lẹm thì sẽ có người chê là ăn nói hồ đồ. Tôi không phải là nhà nhân trắc học hay thầy xem tướng số nên không đủ kiến thức để giải thích tại sao một con người có chân dung như thế lại trở thành nhân vật số một lãnh đạo một cường quốc với số dân đông nhất hành tinh.
Phát biểu trong phiên bế mạc Quốc hội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi một sự “đại phục hưng quốc gia Trung Hoa” và kêu gọi quân đội nâng cao khả năng chiến đấu để giành chiến thắng. Đáp lại lời kêu gọi của ông gần ba nghìn đại biểu Quốc hội có mặt trong Đại lễ đường nhân dân đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay và hoan hô kéo dài cho đến khi có tiếng chuông của Đoàn chủ tịch. Trong quá khứ đã từng có giấc mơ Mỹ và ngày hôm nay nhân loại chứng kiến giấc mơ Trung Hoa. Theo lời ông Tập Cận Bình: “Trong lịch sử hiện đại chưa bao giờ chúng ta lại ở gần một sự phục hưng quốc gia Trung Hoa như vậy. Giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ của cả đất nước cũng như của mỗi người dân. Để thực hiện giấc mơ đó chúng ta phải làm theo cách của người Trung Quốc-đó là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải tập hợp mọi sức lực để “sẵn sàng giành thắng lợi trong các cuộc chiến và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các lợi ích quốc gia”.
Ông Lý Quang Diệu, cựu lãnh đạo của Singapore trong cuốn sách có tựa đề The Grand Master’s Insights on China, the United States and the World-Những cái nhìn sâu về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới đã viết rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của cuộc cạnh tranh ngôi vị siêu cường thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh  này chủ yếu sẽ diễn ra ở châu Á và Đông Nam Á. Với lợi thế vượt trội về khả năng và tinh thần sáng tạo nước Mỹ sẽ bảo vệ được những lợi ích cốt lõi của mình, vượt qua được sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc. Ông Lý cũng viết rằng nếu Trung Quốc ra sức chạy đua với Mỹ trong lĩnh vực sức mạnh quân sự họ sẽ thua và tự phá sản. Vì vậy Trung Quốc hãy biết cúi đầu và mỉm cười thêm 40-50 năm nữa. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ nhưng khả năng sáng tạo thì còn lâu họ mới đuổi kịp đối thủ. Muốn vượt Mỹ trong lĩnh vực này Trung Quốc phải trở thành một quốc gia dân chủ. Điều đó đồng nghĩa với sự sụp đổ của Trung Hoa cộng sản.
Các cụ có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Ông Tập Cận Bình cứ việc mỉm cười và mơ cái giấc mơ Trung Hoa của ông. Còn cái giấc mơ đó có trở thành hiện thực hay không thì chúng ta chân thành chúc ông sống lâu trăm tuổi để có ngày chứng kiến giấc mơ đó trở thành hiện thực.
HUỲNH VĂN ÚC

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

NHỮNG AI SẼ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ TRẬN HẢI CHIẾN GẠC MA 25 NĂM TRƯỚC

TSYG: Trang Anh Ba Sàm đã trở lại điểm Tin thứ 6 sau mấy ngày bị tin tặc cướp phá dữ dội và đưa thông tin bôi nhọ ABS và BTV. Những việc làm bẩn thỉu của bọn chúng không thể ngăn được làn sóng thông tin mạnh mẽ cũng như sức sống của trang Anh Ba Sàm. Xin chúc ABS và BTV bình thản và vững vàng vượt qua những làn gió độc, thường xuyên đem những bài vở, tin tức giá trị đến cho mọi người.
Dưới đây là một số thông tin rất quí giá về trận hải chiến Gạc ma năm 1988 (Gạc ma hiện vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép)mà ABS vừa cập nhật:
Về trận Hải chiến Gạc Ma 25 năm trước, một vị cựu quan chức nắm được nhiều thông tin “cung đình” đã kể lại một số chi tiết đáng chú ý. Theo ông, ngày 14/3/1988 là ngày đang tổ chức lễ viếng cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Phạm Hùng. Đến 2 giờ chiều thì có tin từ Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng là mất Gạc Ma rồi.
Thế nhưng, do ngày hôm sau 15/3 đưa tang ông Phạm Hùng, nên phải sang ngày 16/3 mới họp Bộ Chính trị được. Sau khi nghe báo cáo tình hình, trong đó có cả thông tin về mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh không cho nổ súng, với lý do sợ bị mắc mưu “khiêu khích” của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã đứng lên đập bàn hết sức giận dữ. Ông nói đại ý: nó đang không có gì, anh lại tạo cho nó chỗ đứng ở Trường Sa, làm thay đổi hẳn bàn cờ chiến lược, hình thành thế xôi đỗ rất nguy hiểm. Hầu như không ai lên tiếng ủng hộ ông Thạch, mỗi người ít nhiều đều có lý do riêng, ví như ông TBT Nguyễn Văn Linh thì vốn vẫn đồng quan điểm với ông Lê Đức Anh, muốn khôi phục tình “hữu nghị” với TQ, còn ông Đỗ Mười thì hy vọng được thế vào chiếc ghế vừa bỏ trống của ông Phạm Hùng …
Hy vọng rồi đây, lịch sử sẽ phải làm rõ toàn bộ vụ việc này, xem xét công tội của từng người trong ban lãnh đạo VN thời đó.

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Gạc Ma - khúc tráng ca bất tử


Theo-
Ký ức 25 năm trước ùa về với những cựu binh Trường Sa may mắn sống sót trở về từ trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 trong buổi giao lưu tại Đà Nẵng sáng nay.

Những cái siết tay. Những vòng tay ôm choàng, lặng lẽ. Những giọt nước mắt khi nhớ về các đồng đội vĩnh viễn không trở về trong cái ngày tay không vũ khí đánh trả Hải quân Trung Quốc bảo vệ ngọn cờ chủ quyền trên đảo Gạc Ma.

Lễ tưởng niệm ngày hải chiến bảo vệ Trường Sa tại Đà Nẵng

Câu chuyện trong buổi gặp mặt kỷ niệm ngày hải chiến bảo vệ Trường Sa 14/3/1988 vào sáng 14/3/2013 ở Đà Nẵng nghe như mới xảy ra hôm qua.

Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 công binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh cùng những cựu binh đã một thời nắm tay nhau bảo vệ đảo Gạc Ma năm nào bây giờ đầu đã bạc. Họ bồi hồi nhớ lại giây phút sinh tử lấy thân mình bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo Gạc Ma, viết nên khúc tráng ca bất tử.

“Khi đối mặt với quân Trung Quốc đông gấp nhiều lần, anh em chúng tôi thề sẽ cùng chết để bảo vệ đảo đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi không được lệnh nổ súng, chỉ có tay không đánh trả để bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ đảo. Cuối cùng quân Trung Quốc đã dùng vũ lực với tàu to súng lớn đánh thẳng vào đảo Gạc Ma. Mặc dù toàn bộ anh em bảo vệ đảo hy sinh và bị thương nhưng đảo Gạc Ma vẫn còn…”, Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kể.

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh và thượng tá Hoàng Văn Hoan, những nhân chứng sống từng chiến đấu bảo vệ Gạc Ma tại buổi giao lưu

Thượng tá Hoàng Văn Hoan nhớ như in buổi sáng bi hùng của 25 năm về trước khi quân lính Trung Quốc với súng đạn yểm trợ từ tàu chiến đổ bộ lên đảo Gạc Ma đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng hải quân Việt Nam. Cuộc chiến không cân sức, toàn bộ 64 chiến sĩ đã hy sinh và hàng chục chiến sĩ khác bị thương. Nhưng lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam nơi đảo Gạc Ma vẫn không rơi vào tay Trung Quốc.

Xúc động nhất trong buổi giao lưu là sự xuất hiện bất ngờ của cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo, người đã từng chiến đấu cùng Anh hùng Nguyễn Văn Lanh bảo vệ đảo Gạc Ma sáng 14/3/1988.

Cựu binh Lê Hữu Thảo (giữa) 

Từ Hà Nội vào, ông Thảo nhớ lại những giây phút sinh tử khi đối mặt với quân Trung Quốc.

"Trường Sa là của Việt Nam. Mình là người Việt Nam bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc có chi mà phải sợ. Chính sự quả cảm đối mặt với quân thù bằng tay không đã khiến cho quân Trung Quốc đông gấp nhiều lần với vũ khí trên tay vẫn phải cúi đầu khuất phục", ông Thảo kể.

Trong buổi giao lưu, rất nhiều cựu binh Gạc Ma trở về hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng kể lại rằng khi đối mặt với cái chết, nhưng tất cả vẫn không hề run sợ. Hình ảnh những người lính tay không bảo vệ đảo kết lại thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma đã khiến quân Trung Quốc phải khiếp sợ.
Cựu binh Dương Văn Dũng ở quận Cẩm Lệ bồi hồi nhớ lại: Lúc đó tôi là chiến sĩ đại đội 9 trung đoàn 83 công binh hải quân đi trên tàu vận tải HQ-604 của Đoàn 125. Khi thiếu úy Trần Văn Phương chỉ huy một lực lượng tiến vào cắm cờ trên đảo Gạc Ma và lực lượng công binh chuyển vật liệu lên đảo xây dựng thì lính Trung Quốc cũng tràn lên, ngang nhiên cắt dây cáp mà chúng tôi đã nối từ tàu vào đảo và nhảy vào giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh cùng các chiến sĩ kiên cường giữ cờ. Chúng xả súng vào quân ta.
Thiếu úy Phương bị trúng đạn, hy sinh, hạ sĩ Lanh bị đâm vào lưng… Cùng lúc đó, tàu chiến Trung Quốc tới tấp nã pháo sang tàu ta. Tàu ta là tàu vận tải, đâu có pháo để bắn lại. Pháo địch bắn trúng cabin và nhiều vị trí trên tàu. Tàu tròng trành dữ dội. Nước ồng ộc chảy vào khoang tàu. Tàu chìm dần… Hầu hết anh em hy sinh và bị thương. Tôi và 8 đồng chí khác may mắn bám được các thanh gỗ, thanh ván, bồn dầu…, trôi dạt giữa biển khơi, đến chập choạng tối thì bị tàu Trung Quốc bắt - ông Dũng nhớ lại.
Trao quà cho các gia đình liệt sĩ bảo vệ Gạc Ma


Cũng trong buổi sáng giao lưu cựu binh Gạc Ma, người cha già của liệt sĩ Trần Văn Tài ở phường Hòa Cường Bắc là cụ Trần Huỷnh lọ mọ chống gậy đến dự. Cụ Huỷnh vẫn nhớ như in cái ngày nhận được tin con trai út của mình vĩnh viễn nằm lại đảo Gạc Ma cách đây hơn 25 năm.

Cụ bảo dẫu chưa tìm được hài cốt con, nhưng nghe đồng đội kể lại những giờ phút tay không chiến đấu với kẻ thù bảo vệ đảo, cụ vô cùng tự hào về người con quả cảm của mình.

Buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng đã trở thành sự kiện thu hút giới trẻ tham gia.

Vũ Trung